top of page

Bài Hát

 

Nhập Lễ

- Tôi Tin - Thành Tâm

 

Đáp Ca

- TV 30

 

Dâng Lễ

Máu Chiên Bò - Kim Long

 

Hiệp Lễ

Xin Chỉ Cho Con - Hùng Lân

 

Tạ Lễ

Lời Mẹ Nhắn Nhủ

Chúa Nhật 9 Quanh Năm Năm A

SỢI CHỈ ĐỎ 

Lm.Carôlô Hồ Bạc Xái

 

CHỦ ĐỀ : THỰC HÀNH ĐIỀU CHÚA DẠY

Người khôn xây nhà trên đá 

(Mt 7,24)

Sợi chỉ đỏ :

- Bài đọc I (Đnl 11,18.26-28) : "Nếu các ngươi tuân giữ các giới răn của Chúa là Thiên Chúa các ngươi… thì các ngươi được chúc phúc"

- Đáp ca (Tv 30) : "Xin Chúa trở thành núi đá cho tôi trú ẩn"

- Tin Mừng (Mt 7,21-27) : "Chỉ những người thực hiện ý Cha Ta ở trên trời, kẻ ấy mới được vào Nước Trời".

- Bài đọc II (Rm 3,21-25a.28) (Chủ đề phụ) : "Con người nhờ đức tin mà được nên công chính"

 

I. DẪN VÀO THÁNH LỄ

 

Anh chị em thân mến

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói : "Không phải những ai nói với Ta ‘Lạy Chúa, lạy Chúa’ là được vào Nước Trời. Nhưng chỉ có những người thực hiện ý Cha Ta ở trên trời, kẻ ấy mới được vào Nước Trời". Thực ra, chúng ta nói "Lạy Chúa" thì nhiều, nhưng thi hành ý Chúa thì quá ít.

Chúng ta cùng dâng Thánh lễ này để xin lỗi Chúa vì cách giữ đạo bằng miệng bấy lâu nay của chúng ta ; và hãy tha thiết xin Chúa ban ơn giúp chúng ta từ nay sửa đổi lại để biết sống đạo bằng một cuộc sống luôn quan tâm thi hành ý Chúa.

 

II. GỢI Ý SÁM HỐI

 

- Chúng ta dễ dàng thưa "Lạy Chúa lạy Chúa", mà không lo thi hành thánh ý Chúa.

- Những khi đọc kinh cầu nguyện, chúng ta thường xin Chúa thực hiện ý chúng ta, chứ không xin Ngài cho chúng ta biết ý của Ngài.

- Biết bao lần chúng ta bỏ ý Chúa để làm theo ý riêng của chúng ta.

 

III. LỜI CHÚA

1. Bài đọc I (Đnl 11,18.26-28)

Đệ nhị luật là quyển sách ghi lại những lời được đặt vào miệng Ông Môsê nói với dân Israel trước lúc ông chết và họ sắp vào được Đất Hứa. Trong thời điểm quan trọng đó, Môsê tha thiết căn dặn dân phải ghi nhớ và thực thi những điều Thiên Chúa đã truyền dạy họ. Ông coi việc thi hành lệnh truyền của Thiên Chúa là con đường sống cho dân : "Đây hôm nay ta đặt trước mặt các ngươi sự chúc lành và sự chúc dữ : nếu các ngươi tuân giữ các giới răn của Chúa là Thiên Chúa các ngươi… thì các ngươi được chúc phúc ; còn nếu các ngươi không tuân giữ các giới răn của Chúa là Thiên Chúa các ngươi… thì sẽ bị chúc dữ".

2. Đáp ca (Tv 30)

Vì tuyệt đối tin tưởng vào sự che chở của Thiên Chúa, nên tác giả Tv 30 coi Thiên Chúa là nơi trú ẩn, là Đấng giải thoát và là Đấng cứu sống.

3. Tin Mừng (Mt 7,21-27)

Đây là phần cuối của Bài giảng trên núi. Sau khi giảng dạy rất nhiều điều, Chúa Giêsu kết luận :

- Việc quan trọng nhất không phải là nghe những lới giảng đó, cũng không phải là thưa lại bằng miệng "Lạy Chúa, lạy Chúa", mà là đem những điều ấy ra thi hành.

- Người nào nghe mà không thi hành thì giống như người ngu xây nhà trên cát ; còn người đã nghe mà còn thi hành nữa thì giống người khôn xây nhà trên đá.

- Chính vì điều quan trọng nhất là thi hành, cho nên có những kẻ đã từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, trừ quỷ và làm nhiều phép lạ nhưng cũng không được vào Nước Trời, bởi vì họ tuy làm rất nhiều thứ nhưng lại không thi hành ý Chúa.

4. Bài đọc II (Rm 3,21-25a.28) (Chủ đề phụ)

* Từ Chúa nhựt IX đến Chúa nhựt XXIV, bài đọc II được chọn từ thư thánh Phaolô gởi tín hữu Rôma. (Xin hãy đọc bài giới thiệu tổng quát về Thư Rôma ngay sau bài này)

Giáo đoàn Rôma không do Phaolô thành lập. Nhưng ông rất muốn đến đấy, vì Rôma là thủ đô của Đế quốc. Nhưng trước khi đến, Phaolô gửi bức thư này cho họ để chuẩn bị tinh thần. Được viết trong hoàn cảnh và mục đích như thế, thư Rôma chứa đựng những chủ đề giáo lý cơ bản và quan trọng.

Đoạn thư này chứa đựng một chủ đề rất quan trọng mà thánh Phaolô quãng diễn nhiều lần trong các thư Rôma, Galát và Côlôxê : Người ta được công chính hóa không phải nhờ những việc làm, mà chỉ nhờ Đức Tin vào Thiên Chúa.

Đây cũng là điểm khác biệt giữa quan niệm của những người biệt phái và của Đức Giêsu :

- Biệt phái cho rằng càng làm nhiều việc lành chừng nào thì càng trở nên công chính chừng ấy.

- Phần Đức Giêsu thì dạy rằng công chính là ơn do lòng nhân từ Thiên Chúa ban cho. Vì thế phải khiêm tốn cầu xin và đón nhận ơn công chính, chứ không được ỷ lại vào công nghiệp của mình.

 

IV. GỢI Ý GIẢNG

1. Nền nào vững chắc ?

Theo cách diễn tả của Đức Giêsu trong bài Tin Mừng này thì sống đạo cũng giống như xây nhà. Có người xây nhà trên nền bằng cát không vững, có người xây nhà trên nền bằng đá tảng rất vững vàng.

Chúng ta hãy suy nghĩ về một số cách sống đạo, để xem đó có phải là xây nhà trên nền đá vững chắc không.

- Sống đạo bằng cách đọc kinh, dự lễ rất đầy đủ và chuyên cần. Có lẽ đa số giáo dân chúng ta theo cách này. Ngày Chúa nhựt và những ngày lễ, nhà thờ chật ních. Nhiều nơi xây thêm nhà thờ mới. Nhiều nhà thờ ngày càng trở nên chật hẹp, phải nới rộng thêm. Đây cũng là cách của những người biệt phái và luật sĩ thời Đức Giêsu. Nhưng Đức Giêsu đã nói "Không phải những ai thưa ‘Lạy Chúa lạy Chúa’ mà được vào Nước Trời". Đọc kinh dự lễ rất nhiều mà rốt cuộc không được vào Nước Trời. Đó là xây nhà trên cát.

- Sống đạo bằng cách chọn Chúa là Đấng bảo vệ che chở cho đời mình : người ta có kẻ thờ Quan Công, có người thờ thần tài, có người thờ Phật Bà Quan Aâm. Nhưng tôi nhất quyết chọn Chúa vì tin rằng Ngài quyền phép hơn tất cả những thần thánh kia. Bởi thế, khi bắt đầu làm ăn, tôi cầu xin Chúa giúp ; khi gặp trục trặc, tôi xin Ngài giải quyết ; khi thành công, tôi dâng lễ vật tạ ơn Ngài ; cho đến khi sắp chết, tôi xin Ngài rước tôi lên thiên đàng với Ngài. Thiên Chúa trở thành ô dù, là nhà tài trợ, là mạnh thường quân, là lá bùa hộ mệnh. Những người này có phần "khôn khéo" vì biết chọn theo Thiên Chúa mạnh thế hơn, nhưng xét cho cùng thì cách sống đạo của họ cũng không khác gì những người thờ các thần khác. Cũng là xây nhà trên cát.

- Có những người bệnh tật không đến nhà thờ được, hoặc ở nơi không có nhà thờ. Họ không dự lễ nhiều, nhưng họ luôn cố gắng thực hành những điều Chúa dạy trong Tin Mừng, họ quan tâm tìm hiểu ý Chúa và làm theo ý Chúa. Chúng ta hãy nghe Chúa Giêsu nói về họ : "Ai nghe những lời Thầy nói đây và đem ra thực hành, thì giống như người khôn ngoan, đã xây nhà mình trên đá".

2. Mưa tuôn, sóng vỗ…

Nhiều kitô hữu nghĩ rằng khi họ đặt niềm tin vào Chúa thì giống như họ xây ngôi nhà của mình trên đá. Cuộc đời của họ sẽ an toàn. Nhưng rồi mọi chuyện không xảy ra như vậy : họ phải gặp hết khó khăn này đến đau khổ khác. Họ thất vọng. Ngôi nhà của họ đã được xây trên "đá" đức tin, nhưng tại sao nó vẫn sụp đổ ?

Thực ra, những người đó đã hiểu sai, ít là ở hai điểm :

1/ Cái nền đá vững chắc mà Chúa nói không phải là tin suông mà là một đức tin thể hiện ra bằng việc làm. Đây ta hãy nghe lại cho kỹ lời Ngài nói : "Không phải những ai nói với Ta ‘lạy Chúa, lạy Chúa’ mà được vào Nước Trời, nhưng chỉ có người nào thực hiện ý Cha Ta trên trời, kẻ ấy mới được vào Nước Trời", "Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây và đem ra thực hành thì giống như người không ngoan đã xây nhà mình trên đá".

2/ Chúa không hề hứa là ngôi nhà trên đá đó sẽ không bị mưa tuôn, sóng vỗ. Điều Chúa hứa là cho dù ngôi nhà đó có bị bao nhiêu mưa tuôn và sóng vỗ đi nữa thì nó vẫn đứng vững. Nhờ đâu mà đứng vững ? Nhờ sống thực hành Lời Chúa.

Việc tìm hiểu kỹ lời Chúa như trên giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cuộc sống kitô hữu :

- Kitô hữu không phải chỉ là người tin Chúa. Ma quỷ còn tin Chúa hơn ta nữa, nhưng ma quỷ đâu có được vào Nước Trời !

- Là kitô hữu không phải là được bảo hiểm khỏi mọi khó khăn gian khổ - có khi còn gặp khó khăn gian khổ hơn nhiều người khác nữa. Nhưng Chúa hứa họ sẽ đứng vững trước mọi khó khăn gian khổ ấy, nếu họ sống thực hành Lời Chúa.

3. Hai con đường 

Người ta thường nói "Chúa phạt xuống hỏa ngục". Có người hiểu giáo lý hơn nên cãi lại : "Thiên Chúa nhân từ vô cùng, không thể nào phạt ai xuống hỏa ngục được".

Đúng vậy, Thiên Chúa nhân từ chẳng phạt ai cả. Sở dĩ có người xuống hỏa ngục là vì người đó đã dùng tự do của mình mà chọn sai con đường thôi.

Như Ông Môsê đã nói với dân do thái : "Đây ta đặt trước mặt các ngươi sự chúc lành và sự chúc dữ : nếu các ngươi tuân giữ các giới răn của Chúa là Thiên Chúa các ngươi… thì các ngươi được chúc phúc ; còn nếu các ngươi không tuân giữ các giới răn của Chúa là Thiên Chúa các ngươi… thì sẽ bị chúc dữ".

Cũng như cha mẹ nói với đứa con đã trưởng thành : "Cha mẹ sẵn sàng lo cho con học hành đến nơi đến chốn. Nếu con chịu khó học hành thì sẽ có một tương lai tươi sáng. Còn nếu con cứ chơi bời lêu lỏng như hiện nay thì tương lai rất đáng lo ngại".

Vì chúng ta có tự do nên Thiên Chúa và cha mẹ không thể ép buộc ta được, nhưng các Ngài sẵn sàng giúp đỡ nếu ta chọn con đường tốt.

4. Chuyện minh họa 

a/ Đức tin và việc làm

Tâm là một người cứng cỏi. Khi trận lụt xảy đến trong vùng, anh trèo lên mái nhà. Một chiếc tàu đến cứu nhưng anh từ chối : "Không, cám ơn. Tôi tin vào Thiên Chúa, Ngài sẽ cứu tôi".

Sóng nước dâng cao hơn và Tâm đã trườn lên tận nóc nhà. Một chiếc tàu khác đến cứu anh nhưng anh xua đi. Anh tin là Thiên Chúa sẽ cứu anh. Khi nước chạm đến chân anh, anh lại trèo lên đỉnh ống khói. Một chiếc trực thăng xà xuống cứu, nhưng anh vẫn dựa vào Thiên Chúa. Bạn đoán xem điều gì xảy ra ? Tôm chết đuối.

Trước mặt Chúa, anh phàn nàn : "Lạy Chúa, con có đức tin mạnh như thế, tại sao Ngài không cứu con ?" Chúa trả lời : " Con còn muốn Ta làm gì cho con nữa ? Ta đã gởi tới con hai chiếc tàu và một chiếc máy bay !"

b/ Làm và hưởng thiên đàng

Truyện kể : một nông dân nghèo Nhật bản vào thiên đàng và điều đầu tiên ông nhìn thấy là một kệ dài với những vật rất kỳ lạ. Ông hỏi :

- Cái gì thế ? Có phải để nấu xúp ?

- Không, đó là những cái tai. Chúng là của những người khi sống ở đời nghe được những điều tốt, nhưng họ không làm. Nên khi chết, tai họ vào thiên đàng, nhưng các phần khác của cơ thể thì không.

Một lát sau, ông lại thấy một kệ khác với những vật kỳ quái. Ông hỏi :

- Cái gì thế ? Có phải để nấu xúp ?

- Không, đó là những cái lưỡi. Chúng là của những người sống ở đời bảo người khác làm điều tốt và sống tốt, nhưng chính họ không làm hoặc không sống điều đó. Nên khi chết, lưỡi họ vào thiên đàng, nhưng các phần khác của cơ thể thì không.

 

V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI 

 

CT : Anh chị em thân mến 

Thiên Chúa ban cho loài người chúng ta một ơn vô cùng quý giá, đó là quyền tự do. Nhưng quyền này cũng là một con dao hai lưỡi vì chúng ta có thể dùng nó để làm điều tốt đẹp lòng Chúa và có lợi cho chúng ta ; nhưng cũng có thể dùng nó để làm điều xấu chống lại Chúa và hại cho chính bản thân mình.

Chúng ta hãy cám ơn Chúa và tha thiết cầu xin với Ngài.

1- Hội Thánh được giao trọng trách hướng dẫn mọi người những điều tốt nên làm và những điều xấu phải tránh / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các vị mục tử được sáng suốt để chu toàn sứ mạng cao cả của mình.

2- Xã hội ngày nay đầy dẫy những tệ đoan / Tuổi trẻ không được hướng dẫn đủ nên dễ bị lôi cuốn vào những sinh hoạt không lành mạnh / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho những người cầm quyền / biết đề ra những biện pháp tốt để lành mạnh hóa xã hội.

3- Tự do là quyền cao quý Chúa ban cho con người / Nhưng có những người sử dụng sai quyền tự do của mình để làm điều xấu / gây hại cho bản thân và xã hội / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa Thánh Thần soi sáng và trợ lực / để những người ấy ý thức lại và chọn theo con đường tốt. 

4- Cách sống đạo của giáo dân Việt Nam còn trọng về đọc kinh dự lễ / chứ chưa đi sâu vào đức tin / chưa ý thức điều quan trọng nhất là làm theo ý Chúa / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / siêng năng học hỏi Lời Chúa / và can đảm làm theo ý Chúa.

CT : Lạy Chúa là Cha nhân lành, Chúa chỉ muốn chúng con sống tốt để được hạnh phúc đời này và đời sau. Xin giúp chúng con biết dùng quyền tự do của mình để chọn Chúa và luôn làm theo thánh ý Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con.

 

Bài đọc thêm 1

 

THƯ RÔMA

 

A. TẦM QUAN TRỌNG

Trong tất cả các thư của Phaolô, thư này dài nhất và quan trọng nhất. Quan trọng vì các lý do sau :

- Về giáo lý : thư này chứa đựng tất cả những tư tưởng chủ yếu của Phaolô. Mà những tư tưởng này, như ta sẽ thấy trong phần nói về hoàn cảnh và mục đích của thư, Phaolô chú ý trình bày thành hệ thống mạch lạc (không như trong các thư khác tùy hoàn cảnh của một giáo đoàn cần nhấn mạnh đến một vài điểm nào đó hơn). Rất nhiều nhà chuyên môn đã đặc biệt chú giải thư này.

- Trong lịch sử Giáo Hội, chính những người chủ trương cải cách, những ông tổ của việc li khai khỏi Giáo Hội và lập ra Giáo hội Tin Lành, như Luther, Calvin v.v. đã lấy thư này làm nền tảng cho quan điểm thần học của họ.

- Trong phong trào đại kết, chính thư này là điểm then chốt có thể gây chia rẽ hoặc nối kết các kitô hữu thuộc các Giáo hội khác nhau. Bởi đó các chuyên viên Thánh Kinh trong nhóm dịch đại kết (TOB) đã quyết định bắt đầu dịch thư Rôma trước. Họ cho rằng khi mọi người đã đồng ý được với nhau về bản dịch thư Rm thì sẽ dễ đồng ý trong tất cả các phần khác của Sách Thánh.

B. GIÁO ĐOÀN RÔMA

Ngày nay người ta vẫn còn chưa biết rõ về nguồn gốc thành lập giáo đoàn Rôma. Nhưng chắc chắn giáo đoàn này đã có rất sớm, ngay trong những năm đầu của Giáo Hội. Có lẽ nó do những kitô hữu đầu tiên (gồm do thái tòng giáo và lương dân tòng giáo) từ những nơi khác di cư đến Rôma thành lập. Sau đó Phêrô mới tới Rôma và trở thành lãnh đạo của giáo đoàn này cũng như của cả Giáo Hội. Giáo đoàn Rôma gồm phần lớn là những lương dân tòng giáo và một thiểu số những người do thái tòng giáo.

C. HOÀN CẢNH VÀ MỤC ĐÍCH

Thành phố Rôma là trung tâm của đế quốc Rôma, cũng là trung tâm của "thế giới" theo cái nhìn của người thời đó. Cho nên một nhà truyền giáo hăng say như Phaolô không thể nào không chú ý đến Rôma được. Ông đã ao ước đến đó từ lâu nhưng vì bận bịu với những cuộc du hành truyền giáo nên chưa tới đó được.

Vào khoảng năm 57-58 Phaolô đang ở Côrintô. Lúc bấy giờ ông nghĩ rằng đã hoàn thành việc truyền giáo ở phía Đông nên muốn bắt đầu hướng sang phía Tây, và ông nghĩ ngay tới Rôma. Phaolô coi giáo đoàn này rất quan trọng nên trước khi đến ông soạn sẵn những gì sẽ nói ở đó và viết thành thư này. Chính vì thế mà thư này chứa đựng cách hệ thống những tư tưởng chủ yếu của Phaolô như ta đã nói ở phần trên.

D. CHỦ ĐỀ

Phaolô thấy trước độc giả của mình gồm 2 hạng là do thái và lương dân. Tâm thức của họ thế nào ? Những người do thái luôn tự hào về luật lệ của mình. Họ bám vào luật lệ và cho rằng giữ đạo là giữ luật. Họ còn khinh rẻ lương dân là hạng "không có luật". Phần lương dân thì cho rằng mình đã có lương tâm soi sáng và chỉ sống theo lương tâm được quảng diễn bằng những nguyên tắc chủ quan của họ. Hai thái độ đó đều sai lầm. Phaolô muốn nói cho cả hai hạng rằng : đạo không phải chỉ là một mớ lề luật hoặc một mớ nguyên tắc luân lý mà chính là cuộc sống trong tương quan sinh động với Thiên Chúa. 

E. BỐ CỤC 

Lời mở đầu : 1,1-15

Chủ đề : Con người được cứu độ nhờ Đức tin :

- Thiên Chúa làm cho con người nên công chính : 1,16—4,25

A. Cả người ngoại lẫn người do thái đều phải chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa (1,18—3,20)

B. Con người được nên công chính nhờ Đức Kitô (3,21-31)

C. Gương tổ phụ Abraham (4,1-25)

- Thiên Chúa cứu độ con người : 5,1—11,36

A. Chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi, sự chết và lề luật (5,12—7,25)

B. Người tín hữu sống theo Thần khí (8,1-39)

C. Vấn đề Israel không tin (9,1—11,36)

Khuyên nhủ : 12,1—15,13

Kết : 15,14—16,27


Source: caimon.org

Bài Ðọc I: Ðnl 11, 18. 26-28

"Ta đặt trước mặt các ngươi sự chúc phúc và sự chúc dữ".

Trích sách Ðệ Nhị Luật.

Lúc ấy, Môsê nói với dân chúng rằng: "Các ngươi hãy ghi lòng tạc dạ những lời này, và đeo nó nơi tay như bửu bối, và hãy luôn để nó trước mắt các ngươi. Ðây hôm nay ta đặt trước mặt các ngươi sự chúc lành và sự chúc dữ: nếu các ngươi tuân giữ các giới răn của Chúa là Thiên Chúa các ngươi, mà hôm nay ta rao truyền cho các ngươi, thì các ngươi được chúc phúc, còn nếu các ngươi không tuân giữ các giới răn của Chúa là Thiên Chúa các ngươi, mà lại đi sai đường lối ta vạch ra cho các ngươi hôm nay, và chạy theo các thần ngoại lai mà các ngươi chẳng hiểu biết, thì sẽ bị chúc dữ".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 30, 2-3a. 3bc-4. 17 và 25

Ðáp: Lạy Chúa, xin Chúa trở thành núi đá cho con trú ẩn (c. 3b).

Xướng: 1) Lạy Chúa, con tìm đến nương nhờ Ngài, xin đừng để con muôn đời tủi hổ, vì đức công minh Ngài, xin cứu chữa con. Xin Chúa hãy ghé tai về bên tôi tớ Chúa. - Ðáp.

2) Xin Ngài mau lẹ để giải thoát con. Xin Chúa trở thành núi đá cho con trú ẩn. Bởi Chúa là Ðá tảng, là chiến luỹ của con, vì uy danh Ngài, Ngài sẽ dìu dắt và hướng dẫn con. - Ðáp.

3) Xin cho tôi tớ Chúa được thấy long nhan dịu hiền, xin cứu sống con theo lượng từ bi của Chúa. Lòng chư vị hãy can trường mạnh bạo, hết thảy chư vị là người cậy trông ở Chúa. - Ðáp.

 

Bài Ðọc II: Rm 3, 21-25a. 28

"Con người nhờ đức tin mà được công chính hoá, chứ không phải nhờ việc làm theo lề luật".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, bây giờ sự công chính của Thiên Chúa đã tỏ hiện không tuỳ vào lề luật, nhưng có lề luật và các tiên tri làm chứng. Sự công chính của Thiên Chúa nhờ tin vào Ðức Giêsu Kitô sẽ ban cho mọi kẻ tin vào Người, không có gì phân biệt: vì mọi người đều phạm tội và đã thiếu mất vinh quang của Thiên Chúa, họ được công chính hoá cách nhưng không do ơn nghĩa của Người và nhờ sự cứu chuộc nơi Ðức Giêsu Kitô, Ðấng Thiên Chúa đã đặt làm của lễ đền tội, nhờ tin vào máu của Người.

Quả thế, chúng tôi thâm tín rằng con người nhờ đức tin mà được công chính hoá, chứ không phải bởi việc làm theo lề luật.

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: Lc 19, 38

Alleluia, alleluia! - Chúc tụng Ðức Vua, Ðấng nhân danh Chúa mà đến, bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 7, 21-27

"Nhà xây trên nền đá và nhà xây trên cát".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Không phải tất cả những ai nói với Ta: 'Lạy Chúa, lạy Chúa!', là được vào nước trời, nhưng chỉ có người thực hiện ý Cha Ta ở trên trời, kẻ ấy mới được vào nước trời. Trong ngày đó, nhiều người sẽ nói với Thầy rằng: 'Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã không nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, và nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó ư?' Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với chúng rằng: 'Ta chẳng hề biết các ngươi, hỡi những kẻ làm điều gian ác, hãy lui ra khỏi mặt Ta'.

"Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì giống như người khôn ngoan đã xây nhà mình trên đá; mưa có đổ xuống, nước có tràn vào, gió bão có thổi đến và lùa vào nhà đó, nhà vẫn không sập, vì nhà ấy được xây trên nền đá. Và hễ ai nghe những lời Thầy nói đây mà không đem ra thực hành, thì giống như người ngu đần, xây nhà mình trên cát, khi mưa sa nước lũ, gió thổi và lùa vào nhà đó, nhà sẽ sập và sẽ trở nên đống hoang tàn".

Ðó là lời Chúa.

© 2018 Nhac Dan Chua

bottom of page