top of page

Chúa Nhật 8 Quanh Năm Năm B

CHỦ ĐỀ : ĐỨC GIÊSU LÀ TÂN LANG KHAI MỞ MỘT THỜI KỲ VUI MỪNG MỚI

 

Sợi chỉ đỏ : 

Lm.Carôlô Hồ Bạc Xái - caimon.org

 

- Bài đọc I (Hs 2,14b.15b.19-20) : Ngôn sứ Hôsê so sánh Thiên Chúa như người chồng và dân do thái như người vợ.

- Tin Mừng (Mc 2,18-22) : Đức Giêsu tự so sánh mình như Tân lang, và thời kỳ Ngài đến khai mở như một tiệc cưới vui mừng.

I. DẪN VÀO THÁNH LỄ

Anh chị em thân mến 

Theo đạo Đức Giêsu là sống một đời sống mới. Nhưng từ khi theo đạo đến giờ hình như cuộc sống của chúng ta vẫn còn y như cũ, không khác mấy với cuộc sống những người không theo đạo.

Trong Thánh lễ này, chúng ta sẽ tìm hiểu xem thế nào là một cuộc sống mới ; và chúng ta xin Chúa giúp chúng ta có được cuộc sống mới ấy.

II. GỢI Ý SÁM HỐI

- Chúng ta thích sống theo lối mòn, ít chịu canh tân đổi mới cho cuộc sống mỗi ngày một tốt lành hơn.

- Chúng ta đến với Chúa một cách miễn cưỡng vì luật buộc, chứ không vui mừng như những người đi dự tiệc cưới.

- Chúa Thánh Thần là nguyên lý canh tân, là sức sống mới mẻ. Nhưng chúng ta ít khi sống theo sự hướng dẫn của Ngài. 

III. LỜI CHÚA

1. Bài đọc I (Hs 2,14b.15b.19-20)

Ngôn sứ Hôsê có một cuộc hôn nhân nhiều trắc trở : Vợ ông là một gái điếm được ông yêu thương cưới về. Nhưng như ngựa quen đường cũ, nàng vẫn tiếp tục ngoại tình. Dù vậy Hôsê vẫn yêu thương và kiên trì dùng tình yêu mà sửa đổi vợ. Cuối cùng nàng đã hoán cải.

Kinh nghiệm ấy đã giúp Hôsê hiểu được tình yêu Thiên Chúa đối với loài người : Thiên Chúa cũng là một người chồng, và dân Israel như một người vợ bất trung luôn phản bội. Dù vậy, Thiên Chúa vẫn kiên trì yêu thương và giúp họ hoán cải.

2. Tin Mừng (Mc 2,18-22)

Hôsê đã so sánh Thiên Chúa như một người chồng và Israel như một người vợ, để nhấn mạnh đến sự bất trung của Israel và tình yêu kiên trì của Thiên Chúa.

Hình ảnh người chồng được Đức Giêsu lấy lại áp dụng vào bản thân Ngài nhưng để nhấn mạnh một điểm khác : thời gian Đức Giêsu sống với loài người - tức là thời Tân Ước - giống như thời gian tiệc cưới, nghĩa là một thời kỳ vui mừng hân hoan. Do đó tâm tình phải có trong thời kỳ này phải là vui mừng. Cũng như rượu mới phải đựng trong bầu mới, thì sống trong thời Tân Ước phải có tâm tình mới là tâm tình vui mừng hân hoan.

3. Bài đọc II (2 Cr 3,1b-6) (Chủ đề phụ)

Một số người ở Côrintô chỉ trích thánh Phaolô nhiều điều. Một trong những luận điệu ấy là ngài đã đến Côrintô mà không có thư giới thiệu của các tông đồ lãnh đạo như thói quen của những nhà giảng thuyết khác (x Cv 18,27). Phaolô trả lời rằng tuy không có thư giới thiệu bằng giấy trắng mực đen nhưng ông có một thư giới thiệu khác giá trị hơn nhiều, đó chính là giáo đoàn mà ông đã lập ra, một bức thư giới thiệu viết ngay trong lòng các tín hữu, một bức thư giới thiệu mà ai ai cũng có thể đọc, và kẻ viết thư giới thiệu ấy chính là Thánh Linh.

IV. GỢI Ý GIẢNG

* 1. Niềm vui của người kitô hữu

Có nhiều điều chúng ta không biết quý chuộng khi đang có nó, đến khi bị mất nó rồi thì chúng ta mới tiếc. Nhiều người đổ không biết bao nhiêu nước mắt khi đưa tiễn một người đã chết, vậy mà lúc người ấy còn sống thì họ chẳng quan tâm gì cả. Đúng hơn, không chỉ khóc thương khi một người đã chết, mà còn phải quan tâm nhiều khi người ấy còn sống.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu so sánh sự hiện diện của Ngài như một chàng rể đang ở với khách giữa bữa tiệc cưới. Tiệc cưới không phải là lúc để ăn chay mà là lúc vui mừng. Rồi sẽ tới lúc chàng rể ra đi, đó mới là lúc buồn rầu và ăn chay.

Không phải Đức Giêsu đả kích việc ăn chay, nhưng Ngài đả kích sự ăn chay không đúng lúc và không đúng tâm tình. Theo luật đạo Do thái, mỗi năm chỉ uộc ăn chay một ngày, đó là ngày lễ Sám hối. Tuy nhiên nhiều người biệt phái ăn chay đến hai ngày mỗi tuần. Nhưng hình như họ ăn chay như thế không phải vì lòng mến Chúa hay để chia xẻ cho người nghèo. Trái lại họ ăn chay để người khác khen và để tính công với Chúa.

Có chuyện kể về một người nhà giàu đạo đức đến thăm một Rabbi để xin chúc phúc. Vị Rabbi hỏi : 

- Ông ăn uống thế nào ?

- Dạ con ăn uống rất đạm bạc - Người nhà giàu đáp, nghĩ rằng sẽ khiến vị Rabbi khen ngợi – Hằng ngày con chỉ ăn bánh mì khô và uống nước lã thôi ạ.

- Nhưng tại sao ông không ăn uống xứng đáng như một người giàu như ông ?

- Nghĩa là thế nào ạ ?

- Ông nên ăn thịt và uống rượu.

Các đệ tử của vị rabbi nghe thế rất ngạc nhiên, họ hỏi : 

- Thưa Thầy, có gì khác nhau đối với ông nhà giàu ấy khi ông ăn bánh mì khô, uống nước với khi ông ăn thịt và uống rượu ?

Vị Rabbi giải thích : 

- Khi ông ta ăn uống những thức mà sự giàu sang của ông có thể cung cấp thì ít ra ông cũng thấy rằng những người nghèo không thể tự cung cấp những thứ ấy nên đành phải ăn bánh mì khô và uống nước. Còn nếu ông ta từ chối những thú vui của cuộc sống, cho dù vì lòng đạo đức đi nữa, thì dần dà ông ta sẽ cho rằng người nghèo hơn ông đáng phải ăn sỏi.

Câu chuyện trên có thể giải thích tại sao những người pharisêu hay khắc khe với người khác. Một trong những mục tiêu của ăn chay là nhắc chúng ta nhớ đến tình trạng đói khác thường xuyên của rất nhiều người nghèo trong thế giới ngày nay.

Nhiều người nghĩ rằng sống đạo là phải khắc khổ, buồn rầu. Tệ hơn nữa, họ còn muốn bắt kẻ khác cũng khắc khổ buồn rầu như họ. Thực ra, đặc điểm của cuộc sống kitô hữu phải là vui mừng. Cũng có khổ đau, nhưng đối với kitô hữu, khổ đau và vui mừng liên kết chặt chẽ với nhau. Trong đời, có những niềm vui cay đắng và cũng có những nỗi khổ ngọt ngào. Cũng như phải vừa có mưa vừa có nắng thì mới có chiếc cầu vòng rực rỡ ; bầu trời phải vừa có mây vừa có sáng thì cảnh bình minh mới huy hoàng. Ai đã từng đau buồn thì mới thấm thía được niềm vui.

Vì tội lỗi, chúng ta ăn chay để xin Chúa tha thứ. Nhưng chúng ta cũng biết rằng ơn Chúa lớn hơn tội lỗi nên chúng ta mừng vui. Hơn nữa, niềm vui to lớn nhất của chúng ta là được làm con Chúa và được Ngài yêu thương. Cuộc sống của chúng ta phải là một bằng chứng về niềm vui to lớn ấy. (Viết theo Flor McCarthy)

* 2. Sự mới mẻ mà Đức Giêsu mang lại

Kể từ Chúa nhựt hôm nay, các bài Tin Mừng bắt đầu giới thiệu những nét mới mẻ mà Đức Giêsu mang lại.

Nét mới mẻ căn bản nhất là Đức Giêsu rao giảng một cuộc sống mới. Các bài đọc hôm nay mô tả những phương diện của cuộc sống mới ấy : 

- Sống với Thiên Chúa không phải với tâm tình sợ sệt mà bằng tình yêu thương (bài đọc I)

- Sống với Đức Giêsu trong tâm tình vui mừng hân hoan như đang dự tiệc cưới (bài Tin Mừng)

- Sống với tha nhân không theo luật "mắt đền mắt, răng đền răng", mà bằng tình yêu thương kiên trì luôn tha thứ (bài đọc I)

- Trong mọi hoàn cảnh, luôn sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần (bài đọc II).

Sở dĩ những người biệt phái chống đối Đức Giêsu là vì họ không thích nghi được và không chấp nhận nổi cuộc sống mới ấy. Họ thích đi theo lối mòn cũ kỹ với những quan niệm và tục lệ cổ xưa mà ăn chay là một thí dụ điển hình.

"Rượu mới phải để trong bầu da mới". Chúng ta đang ở thời kỳ Tân Ước. Nhưng phải chăng chúng ta vẫn còn sống đạo kiểu cũ như những người biệt phái thời xưa : chỉ biết đến hình thức và lề luật mà không chú ý đến yêu thương, tha thứ, vui mừng và hy vọng, không theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

* 3. Hãy mở lòng mình ra đón nhận cái mới

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu nói về sự mới mẻ Ngài mang đến. Ngài dùng hai hình ảnh : chiếc áo mới và bình rượu mới.

Lấy một miếng vải mới để vá chiếc áo cũ thì chẳng đi đến đâu. Có lẽ nó chẳng làm rách chiếc áo cũ như Đức Giêsu nói đâu, nhưng nó làm cho chiếc áo xấu đi. Tốt hơn, nên có nguyên một chiếc áo mới. 

Hình ảnh thứ hai Đức Giêsu dùng thì chính xác hơn. Không thể đổ rượu mới vào bầu da cũ. Lý do là rượu mới còn đang lên men. Khi lên men thì nó bốc nhiều ga. Nếu đổ vào một cái bầu da cũ đã chai lì không còn khả năng dãn nở nữa thì bầu da sẽ vỡ. Do đó phải đổ rượu mới vào bầu da mới còn khả năng dãn nở.

Qua hai hình ảnh trên, Đức Giêsu muốn nói tới một giáo huấn mới, cần phải được đón nhận bởi một tinh thần mới, và đưa đến một nếp sống mới. Cái mới không chỉ là một sự vá víu, một chút gì đó gán ghép thêm vào cái cũ. Nó đòi hỏi một sự đổi mới toàn diện.

Con người chúng ta dễ bám vào nếp cũ. Càng thêm tuổi chúng ta càng trở nên bảo thủ và khép kín. Chúng ta không thích cái gì mới, vì chúng ta không quen nó. Chúng ta không muốn điều chỉnh những thói quen và cách sống xưa nay của chúng ta, vì điều đó làm chúng ta cảm thấy bị xáo trộn và bất an. Nhưng cứ sống theo lối cũ mãi thì con người chúng ta sẽ già cỗi và chẳng còn niềm vui.

Đức Giêsu nói : "Nếu anh em không trở nên như trẻ thơ thì anh em sẽ chẳng được vào Nước Trời đâu". Trẻ thơ vui tươi, trẻ thơ sinh động, trẻ thơ hăng hái… vì chúng luôn mở rộng tâm hồn đón nhận cái mới.

Tin Mừng Đức Giêsu luôn giới thiệu cho chúng ta những nét mới, giúp chúng ta thoát khỏi những lề thói cũ, giải thoát chúng ta khỏi những định kiến có sẵn từ lâu, thay vào đó Tin Mừng ban cho chúng ta một con tim mới, một cái nhìn mới. Cần nhớ rằng ngay cả lòng đạo đức cũng có thể dần dần bị già cỗi đi. (Viết theo Flor Mc Carthy)

4. Ăn chay

Bài Tin mừng hôm nay nói đến việc ăn chay. Vừa mới nghe qua có lẽ chúng ta ngạc nhiên với thái độ của Đức Giêsu : Đức Giêsu không những không ăn chay như người Do thái và biệt phái mà còn biện minh cho việc không ăn chay của mình và môn đệ mình. Chúng ta bị cám dỗ kết luận rằng Chúa dạy chúng ta không cần ăn chay. Thực ra Đức Giêsu không dạy như thế, bằng chứng là Phụng vụ Giáo Hội hàng năm vẫn có một Mùa Chay kéo dài cả tháng trời. Và chúng ta biết Giáo Hội không làm điều gì ngược lại ý Chúa. Chúng ta phải hiểu bài Tin mừng hôm nay trong khung cảnh xã hội Do thái thời đó và trong tinh thần của Đức Giêsu : 

- Người Do thái thường ăn chay trong hai trường hợp. Trường hợp thứ nhất là khi gặp một việc gì đau buồn. Vua Đavit đã xé áo mình ra và ăn chay khi hay tin Vua Saolê và Thái tử Jonathan tử trận. Bà Judith ăn chay để để tang chồng. Dân chúng Do thái ăn chay cả nước khi quốc gia bị bại trận hoặc khi gặp thiên tai.... Trường hợp thứ hai là ăn chay để dọn lòng chuẩn bị đón tiếp Thiên Chúa : Trước khi lên núi Sinai để gặp Thiên Chúa ban cho 10 giới răn, Môsê đã ăn chay. Tiên tri Isaia cũng ăn chay trước khi đến núi Horeb diện kiến Thiên Chúa. Và thánh Gioan tiền hô ăn chay uống nước lã, ăn châu chấu, mặc áo sa cừu để dọn lòng đón rước Chúa Cứu Thế sắp đến. Đức Giêsu và các môn đệ Ngài không ở trong trường hợp nào của hai trường hợp đó cả : Ngôi Hai Thiên Chúa từ trời xuống trần đem ơn cứu rỗi cho nhân loại không phải là một biến cố đau buồn, nhưng là một tin vui cho toàn thể nhân loại. Ngài chính là Chúa Cứu thế nên không cần phải khắc khoải chờ mong đấng cứu thế nào khác nữa cả. Bởi đó Đức Giêsu và các môn đệ Ngài không cần phải ăn chay để tỏ lòng đau buồn hoặc để chờ mong Chúa Cứu Thế như những người Do thái và môn đệ thánh Gioan Tẩy giả.

- Đức Giêsu không dạy chúng ta đừng ăn chay, nhưng Ngài dạy chúng ta ăn chay theo một tinh thần mới. Trong ngôn ngữ Thánh Kinh, rượu gợi lên ý nghĩa vui mừng hoan lạc. Biến cố Đức Giêsu xuống trần là một biến cố vui mừng. Ngài đến như một tân lang mang rượu mừng đến cho mọi người cùng uống. Nhưng rượu mới phải chứa trong bình mới chứ không được chứa trong bình cũ. Nghĩa là từ nay không được sống đạo Tân Ước mà Đức Giêsu đem đến theo tinh thần đạo cũ của Cựu ước được nữa. Người Do thái giữ đạo bằng cách gìn giữ tỉ mỉ những khoảng luật ghi trong sách Luật của họ ; thí dụ phải tránh những gì, kiêng ăn những gì để mình khỏi ô uế ; phải tẩy uế làm sao trước mỗi bữa ăn ; ngày thứ bảy không được làm điều gì và chỉ được phép đi đường trong một khoảng dài bao xa mới khỏi phạm luật. Họ cẩn thận giữ đúng từng chữ ghi trong luật và hãnh diện vì mình giữ như thế. Khi ăn chay, họ mặc áo nhặm, rắc tro trên đầu, vẻ mặt nhăn nhó thảm sầu và có người lại ngồi giữa đường để hành xác, cốt ý cho mọi người biết rằng ta đây đang ăn chay. Nhưng đó chỉ là một mớ hình thức không đem lại ích gì thiêng liêng nếu chính tấm lòng người ăn chay không biến cải. Vì thế các tiên tri đã lớn tiếng trách mắng "Dân này kính ta bằng môi miệng mà lòng nó ở cách xa ta". Các tiên tri còn nhắc nhủ họ : "Hãy xé lòng chứ đừng xé áo" hay "Ta muốn tình yêu chứ không muốn lễ vật". Đó chính là tinh thần mới mà từ xa xưa các tiên tri đã tiên báo. Ăn chay theo tinh thần mới là để tỏ lòng thống hối tội lỗi vì đã xúc phạm đến tình yêu Chúa. Do đó điều cần không phải chỉ là giữ kỹ một mớ luật buộc mà phải biến đổi tâm hồn, không phải tỏ cho mọi người biết mà là chứng tỏ với Chúa lòng mình đã bỏ tội lỗi quay về với Ngài. Luật Giáo Hội ngày nay rất rộng chỉ buộc chúng ta ăn chay một năm 2 lần là thứ tư lễ tro và Thứ Sáu tuần thánh. Nếu chỉ cần giữ đúng luật đó để khỏi phạm tội trọng thì thật là chuyện dễ : biết bao người hoặc vì tài chính eo hẹp hay vì bệnh tật mà phải kiêng cử hoặc nhịn ăn không phải chỉ 2 ngày mà là cả tuần lễ dài. Điều cần là đi đôi với những việc kiêng cử bên ngoài chúng ta phải thay đổi hẳn nếp sống bên trong của chúng ta. Nói như thánh Phaolô trong bài thánh như hôm nay, chúng ta không nên giữ chay cốt để làm trọn những điều luật được ghi chép bằng giấy trắng mực đen, những điều luật ghi khắc trên bia đá khô cằn như dân Do thái ; chúng ta sống theo luật mới được ghi khắc trong chính con tim của chúng ta và do chính Chúa Thánh Thần. Có như vậy việc ăn chay mới biến đổi được con người chúng ta, và lề luật không phải chỉ là những hàng chữ vô tri nhưng đã ăn sâu vào chính con người chúng ta, chúng ta chính là thể hiện sống động lề luật mới của Đức Giêsu. Như Thánh Phaolô đã nói : anh chị em chính là những bức thư của Chúa Kitô do chúng tôi viết, không phải viết bằng mực mà là bằng Thần Linh Chúa, không phải viết trên đá mà là trong chính tâm hồn anh em".

5. Tình yêu thúc đẩy

Bác sĩ Allan Cott có viết trong tác phẩm "Chay Tịnh : Phương pháp Kiêng cử Tối Ưu" như sau : 

Ngày xưa, người Ai Cập ăn chay để được trẻ trung, người Hy Lạp ăn chay để tinh thần được lanh lợi, thổ dân Nam Mỹ ăn chay để biểu lộ lòng can đảm, nghệ sĩ Nga ăn chay để vẽ tượng thánh đẹp hơn.

Bác sĩ Cott còn kể ra hai trường hợp thú vị để minh hoạ cho sự ích lợi của việc ăn chay. Ông nói : 

Những người lính Nhật sau Thế chiến thứ hai không chịu đầu hàng đồng minh, đã ăn nấu trong vùng rừng núi Phi-Luật-Tân hơn 30 năm mà vẫn mạnh khỏe hơn nhiều so với đồng đội của họ đã trở về gia đình.

Dân Anh Quốc trong suốt thế chiến thứ hai phải ăn theo khẩu phần vì lương thực khan hiếm, thế mà trông vẫn tráng kiện. Khi chấm dứt chế độ khẩu phần, tình trạng sức khỏe bắt đầu tồi tệ và bệnh tật cũng đua nhau xuất hiện.

Hầu hết mọi tôn giáo đều tán dương việc ăn chay. Đạo Do thái cũng có luật ăn chay vào những ngày quốc táng (2Sm.1,12 3,25) và những ngày sám hối (2V.25,2-4). Biệt phái và những người đạo đức như các môn đệ Gioan còn ăn chay thêm ngày thứ 2 và thứ 5 hàng tuần (Lc.18,12).

Mục đích của việc ăn chay thời đó là chuẩn bị chờ đón Đấng Thiên Sai, nhưng họ đã không quan tâm đến ý nghĩa ấy, mà chỉ cốt lôi kéo sự thán phục của thiên hạ. Do đó, Đức Giêsu đã khiển trách họ là "đạo đức giả" (Mt.6,16).

Sở dĩ các môn đệ của Đức Giêsu không ăn chay, vì chính Người là Đấng Thiên Sai đã đến, nên việc ăn chay để chờ đón Đấng Thiên sai không cần thiết nữa. Thời gian ăn chay đã chấm dứt, thời gian tiệc tùng là đây. Cha Mark Link có viết : "Bây giờ mà ăn chay thì khác nào tiếp tục băng bó cánh tay sau khi đã lành, hoặc tiếp tục che dù khi mưa đã tạnh".

Cả hai dụ ngôn "Vải mới, áo cũ" và "Rượu mới, bầu da cũ" đều nói lên ý nghĩa này : Đức Giêsu, Đấng Thiên Sai đã đến, không phải để hủy bỏ luật cũ, luật ăn chay, nhưng là để kiện toàn. Ăn chay ngày nay không còn là việc khoe khoang như người Biệt phái, cũng không còn là việc chờ mong Đấng Thiên Sai theo giao ước cũ, nhưng là việc "sám hối để lãnh ơn tha thứ" và "để được gặp gỡ Thiên Chúa".

*

Trong đời sống tôn giáo, thói quen rất cần thiết và hữu ích. Chẳng hạn như thói quen cầu nguyện hàng ngày, thói quen đọc kinh Lạy Cha trước khi ăn, thói quen đi lễ và rước lễ mỗi ngày vv… Nhưng nếu chúng ta làm cách máy móc, làm mà không gán cho chúng một ý nghĩa thì chúng sẽ trở nên vô nghĩa. Cũng như biệt phái ăn chay mà quên mất lý do ăn chay, thậm chí còn để phô trương công đức thì kết quả còn tệ hại hơn nữa.

Hãy thực hiện các hành vi tôn giáo vì yêu mến Chúa, hơn là vì bổn phận. Thánh Têrêxa Avila dạy : "Chúa không cần việc làm của chúng ta. Người chỉ muốn tình yêu thúc đẩy những việc làm ấy". Ngạn ngữ Anh có câu : "Không phải nỗi khổ đau làm nên những vị tử đạo, mà chính là tình yêu thôi thúc các ngài chịu đau khổ".

Vì thế, trước khi thực hành các việc từ thiện, ăn chay, hãm mình, chúng ta hãy tâm niệm như lời thánh Phaolô : "Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng tôi" (1Cr.5,14).

*

Lạy Chúa, xin đừng để chúng con thực hành các việc đạo đức theo thói quen máy móc. Nhưng xin cho chúng con luôn ý thức mọi việc chúng con làm, mọi lời chúng con cầu nguyện là để ca ngợi, tôn vinh và yêu mến Chúa. Amen (Thiên Phúc, "Như Thầy đã yêu") 

6. Đức Giêsu là Tân lang

Trong bài Tin Mừng này, Đức Giêsu tự mô tả mình là "Tân lang".

Tân lang là người mới cưới vợ. Trong hôn nhân, tình yêu ở đỉnh cao nhất là khi hai người mới cưới nhau. Cho nên khi Đức Giêsu tự ví mình là tân lang, nghĩa là Ngài cho biết Ngài rất yêu thương chúng ta, yêu thương vô cùng.

Những người chồng trần gian khi mới cưới vợ thì là tân lang. Vài năm sau thì trở thành "cựu lang" và có lẽ khi đó tình yêu đối với vợ không còn nồng nàn nữa. Còn Đức Giêsu thì luôn là "tân lang", bởi vì Đức Giêsu "hôm qua, hôm nay và mãi mãi" vẫn là một, không hề thay lòng đổi dạ.

V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI 

Chủ tế : Anh chị em thân mến, Đức Giêsu đến trần gian để khai mạc thời kỳ cứu độ, và đem lại hạnh phúc cho con người. Trong niềm tri ân cảm tạ Thiên Chúa là tình yêu, chúng ta cùng dâng lời nguyện xin.

1. Hội Thánh tiếp tục công cuộc cứu độ của Chúa giữa muôn dân / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa nâng đỡ, / phù trì cho Đức Giáo Hoàng / các Đức Giám mục / các Linh mục và Phó tế / để các ngài khôn ngoan và sáng suốt lãnh đạo dân thánh Chúa.

2. Vải mới / rượu mới / chính là Tin Mừng Đức Giêsu / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa / gìn giữ các chứng nhân Chúa sai đi rao giảng Tin Mừng cứu độ khắp hoàn cầu / luôn được hồn an xác mạnh / nhờ đó họ có thể chu toàn sứ mạng cao quý của mình.

3. Đức Giêsu đã loan báo Tin Mừng bình an / sứ điệp yêu thương / và đã chiến thắng trên Thập giá / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa giải thoát các kitô hữu / khỏi mọi sợ hãi và thất vọng.

4. Trong đời sống thường ngày / ai cũng mong được hạnh phúc / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / hiểu rằng chúng ta chỉ được hạnh phúc thật sự khi sống theo tinh thần Tám mối phúc thật.

CT : Lạy Đức Giêsu, Chúa đã hứa ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế. Xin cho chúng con luôn xác tín vào sự hiện diện thần linh của Chúa, để giữa muôn vàn khó khăn trong cuộc sống thường ngày, chúng con vẫn một niềm tin yêu Chúa, là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.

VI. TRONG THÁNH LỄ

- Trước kinh Lạy Cha : Trong kinh Lạy Cha mà chúng ta sắp đọc, chúng ta sẽ xin Cha cho chúng ta lương thực hằng ngày. Lương thực ấy không chỉ là cơm bánh và những nhu cầu vật chất, mà còn là ơn Chúa giúp cho cuộc sống linh hồn chúng ta mỗi ngày một mạnh hơn, mới hơn.

- Trước lúc rước lễ : Đức Giêsu đã nói "Rượu mới phải để trong bầu da mới". Ước gì Mình Thánh Chúa mà chúng ta sắp rước lấy sẽ ban thêm cho chúng ta sức sống mới. "Đây Chiên Thiên Chúa…"

VII. GIẢI TÁN

Chúng ta đã hiểu cuộc sống mới của người kitô hữu là thế nào. Chúng ta hãy ra về và bắt đầu sống cuộc sống mới ấy.

Bài Ðọc I: Hs 2, 14b. 15b. 19-20

"Ta sẽ đính hôn với ngươi đến muôn đời".

Trích sách Tiên tri Hôsê.

Ðây Chúa phán: "Ta sẽ dụ dỗ nó, đem nó vào sa mạc, và kề lòng, Ta nói khó với nó. Ở đó nó sẽ vọng lại như ngày còn thơ, như ngày nó lên từ đất Ai-cập.

"Ta sẽ đính hôn với ngươi đến muôn đời. Ta sẽ đính hôn với ngươi trong công bình và chính trực, trong tình yêu và thương xót. Ta sẽ đính hôn với ngươi trong sự trung tín, và ngươi sẽ biết Ta là Chúa".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 102, 1-2. 3-4. 8 và 10. 12-13

Ðáp: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót (c. 8a).

Xướng: 1) Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người. - Ðáp.

2) Người đã tha thứ cho mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng ngươi khỏi chỗ vong thân; Người đội đầu ngươi bằng mão từ bi, ân sủng. - Ðáp.

3) Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân. Người không xử với chúng tôi như chúng tôi đắc tội, và không trả đũa theo điều oan trái chúng tôi. - Ðáp.

4) Cũng như từ đông sang tây xa vời vợi, Người đã ném tội lỗi xa khỏi chúng tôi. Cũng như người cha yêu thương con cái, Chúa yêu thương những ai kính sợ Người. - Ðáp.

 

Bài Ðọc II: 2 Cr 3, 1-6a

"Anh em là bức thư của Ðức Kitô do chúng tôi biên soạn".

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, chúng tôi lại giới thiệu cho mình ư? hoặc như một vài người, chúng tôi cần phải có thư giới thiệu với anh em, hoặc của anh em sao? Thư của chúng tôi, chính là anh em, viết ngay trong lòng anh em mà mọi người biết được và đọc được. Ai cũng rõ anh em là bức thư của Ðức Kitô do chúng tôi biên soạn, được viết không phải bằng mực, mà là bằng thần trí của Thiên Chúa hằng sống, không phải viết trên những tấm đá, nhưng là viết trên tâm hồn anh em.

Chúng tôi tin tưởng như thế trước mặt Thiên Chúa nhờ Ðức Kitô. Không phải chúng tôi có thể nghĩ tưởng điều gì như là bởi chính chúng tôi, nhưng điều đó là do Thiên Chúa; chính Người là Ðấng đã làm cho chúng tôi trở nên thừa tác viên xứng đáng của Tân Ước, không phải của văn tự, mà là của thần trí: vì văn tự chỉ giết chóc, còn thần trí mới tác sinh.

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: Ga 17, 17b và a

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Lạy Cha là chân lý; xin hãy thánh hoá chúng trong sự thật". - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mc 2, 18-22

"Tân lang còn ở với họ".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, môn đồ của Gioan và các người biệt phái ăn chay, họ đến nói với Chúa Giêsu rằng: "Tại sao môn đồ của Gioan và các người biệt phái ăn chay, còn môn đệ của Ngài lại không ăn chay?" Chúa Giêsu nói với họ: "Các khách dự tiệc cưới có thể ăn chay khi tân lang còn ở với họ không? Bao lâu tân lang còn ở với họ, thì họ không thể ăn chay được. Nhưng sẽ đến ngày tân lang bị đem đi, bấy giờ họ sẽ ăn chay. Không ai lấy vải mới mà vá áo cũ, chẳng vậy, miếng vải vá sẽ rút lại mà kéo áo cũ, và chỗ rách lại tệ hơn. Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, chẳng vậy, rượu sẽ làm vỡ bầu da, và rượu đổ, bầu da hư. Nhưng rượu mới phải để trong bầu da mới".

Ðó là lời Chúa.

© 2018 Nhac Dan Chua

bottom of page